Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Cảm ơn thầy đã cho con ước mơ



Trời đã trở lạnh, không biết ngoài mình có lạnh không nhỉ, không biết giờ này thầy còn thức cùng những trang giáo án không nữa. Thầy có khỏe không, lớp học trò mới có thương và quý thầy như tụi con không. Bao nhiêu câu hỏi cứ như được sắp sẵn trong đầu con như chờ được lệnh để bung tỏa tất cả. Khiến con muốn gặp thầy ngay lúc này. Nhưng cả thầy và con đều ở rất xa, không phải muốn là con có thể gặp được.
Ngày đó thầy mới ra trường và được phân công giảng dạy tại trường con. Lớp con may mắn được thầy chủ nhiệm. Tuy mới ra trường nhưng thầy đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của học trò nhờ cách dạy rất lí thú và sinh động của mình. Đứng trên bục giảng thầy như biến thành một người hoàn toàn khác so với ngày bình thường. Cái thường ngày của thầy mà con biết là rất trầm tư, giản dị và đặc biệt rất gần gũi với học sinh. Nhưng một khi đứng trên bục giảng thì tất cả tình cảm của thầy đều tập trung vào bài giảng. Vốn kiến thức rộng, cách dạy riêng nhưng đầy lí thú, thầy luôn biết cách hướng học trò vào tâm điểm của bài học cho dù chúng con ở trạng thái nào đi chăng nữa.Con còn nhớ hôm đó học bài “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc”, cả lớp như không chú ý gì, thế rồi bài giảng của thầy làm cho những cặp mắt lờ đờ, những bộ mặt ngái ngủ cũng phải chăm chú. Trước đó, con là chúa ghét môn Văn, con cảm thấy nó làm cho con người ta khác xa với cuộc sống đời thường, nó bay bổng, lãng mạn, viễn vông những điều không có thật. Vì thế mỗi khi vào giờ văn con cảm thấy như một cực hình đối với con. Lũ học trò chúng con lúc nào cũng ngân nga khúc nhạc tự sáng tác “Đi học là đi tu, ngồi học là ngồi tù, lên bảng là tra tấn, kiểm tra là hành hình”. Những bài kiểm tra của con bao giờ cũng chỉ 5 điểm, nhưng không phải nguyên vẹn, kèm theo đó là những nét mực đỏ đậm, nhạt khác nhau. Cầm bài kiểm tra con chỉ biết lặp lại: “câu cú lủng cũng, phân tích chưa sâu, ý lan man, lời văn chưa trong sáng, rồi là lạc đề thậm chí cả lỗi chính tả nữa”. Có những lúc con đã nghĩ cuộc đời con sẽ tươi đẹp biết bao nếu không có môn văn này. Vậy mà, từ khi học với thầy, con như trở thành một người khác hẵn, con đã thay đổi rất nhiều, con đã chăm chú nghe giảng hơn. Những cuốn sách bồi dưỡng cũng được con lôi ra nghiền ngẫm, mà trước đó con đã xếp nó tận đáy của thùng sách cũ. Các chương trình dạy học trên truyền hình con cũng không bỏ sót buổi nào. Con dần dần mê văn, và có lòng đam mê nó, không những thế con còn bắt đầu tập tành sáng tác và còn muốn xuất bản những tập truyện ngắn dành riêng cho mình nữa. Sự thay đổi cũng khiến bản thân con cũng bất ngờ, những câu nhận xét có tiến bộ, hiểu đề, cần phát huy…, những con điểm 5 dần dần được thay bằng 6 rồi 6.5 và cuối cùng là 7 điểm. Cho dù điểm không cao nhưng con tự hào và trân trọng nó, bởi đó là tất cả những gì con đã nổ lực. Con thầm cảm ơn thầy, người đã cho con biết trân trọng những gì bản thân con đang có.
Nhiều lúc tâm sự với thầy, con mới biết đối với thầy văn học là sự đam mê. Tất cả những câu văn, lời nói của thầy đều toát lên sự đam mê đó. Học với thầy con mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn chương, hiểu hết được những giá trị mà nó mang lại. Thầy không chỉ dạy cho con kiến thức, mà mỗi bài giảng của thầy là một đạo lý làm người mà thầy muốn truyền cho chúng con- những học trò mà thầy xem như con đẻ của mình.
Rồi ba năm chủ nhiệm cũng đã qua, cái ngày con sắp sửa xa bạn bè, thầy cô, xa mái trường thân thương – nơi đã hàn gắn biết bao kỉ niệm. Đứng giữa sân trường con như hồi tưởng lại dòng kí ức. Thầy đến bên, vỗ vai nhẹ nhàng, con tròn xoe đôi mắt bởi sự ngạc nhiên. Thầy nói tiếp: “ Nghề báo là một nghề gian nan và đầy nguy hiểm nhưng đổi lại đó cũng là nghề rất vinh quang. Làm báo cũng như viết văn cái quan trọng là mình phải trải rộng lòng mình, cảm nhận tất cả mọi thứ xung quanh, và điều đặc biệt là thể hiện được cái tâm nóng hổi với đời, với người. Muốn làm báo tốt em phải có một trái tim yêu nghề đủ cứng rắn, khối óc bùng nổ đầy ý tưởng, đôi mắt biết nắm bắt nhiều chiều, đôi tai biết lắng nghe một cách khách quan và cả đôi bàn tay biết cân nhắc nên viết gì.” Dù mới chỉ là nộp hồ sơ, nhưng con đẫ quyết tâm mình phải đậu Đại học, phải làm báo thật giỏi để không phụ công những kiến thức mà thầy đã cho con.
Ngày con nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐHKH –Huế cũng là ngày con nhận được cuộc điện thoại đầu tiên của thầy. Nhưng thầy không chúc mừng con, thầy chỉ dặn con một câu: “ con đường phía trước của con sẽ rất gian nan, khó khăn nhưng thầy tin học trò của thầy sẽ vượt qua một cách vinh quang”. Con nghẹn ngào, không biết cảm ơn thầy thế nào, người đã giúp con có ước mơ, rồi muốn thực hiện ước mơ đó. Giờ đây mỗi lần con vấp ngã, nghĩ đến thầy, những bài học của thầy con như được tiếp thêm sức mạnh, để tiếp tục chinh phục con đường mà con đã chọn.
Dù ngày nhà giáo đã qua, nhưng đối với con ngày nào cũng là ngày của thầy-người bằng nhiệt huyết của mình đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Con mãi nhớ về thầy, người thầy yêu quý của con.

Gửi thầy của con: Thầy Lê Văn Nam, giáo viên Văn, Trường THPT Nông cống 4


Nguồn bài viết: http://2mit.org/forum/entries/565-Xuc-cam-ve-nguoi-thay#ixzz1rJqsvujT

NGƯỜI CHÊ TA MÀ CHÊ PHẢI LÀ THẦY CỦA TA, NGƯỜI KHEN TA MÀ KHEN PHẢI LÀ BẠN TA, NHỮNG KẺ VUỐT VE NỊNH BỢ TA CHÍNH LÀ KẺ THÙ CỦA TA VẬY

Đề bài: Tuân Tử (313 – 235 Tcn) nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy” Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về câu nói trên?
Hướng dẫn
1. Giải thích chung về câu nói
- Thầy, bạn và kẻ thù là những người như thế nào?
- Chê phải, khen phải và vuốt ve, nịnh bợ nghĩa là thế nào?
- Ý chung của toàn bộ câu nói là gì?
2. Dùng lí lẽ, lập luận để làm sáng tỏ các câu hỏi
- Tại sao người chê ta mà chê phải là thầy của ta?
- Tại sao người khen ta mà khen phải là bạn ta?
- Tại sao những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù ta?
3. Phát biểu suy nghĩ của mình về những điều Tuân Tử nêu lên.
- Đó thực chất là một bài học lớn về đạo làm người. Cần thấy làm được như điều Tuân Tử khuyên là hết sức khó khăn. Vì ở đời thói thường ai cũng thích khen, không thích bị chê, thích được nịnh bợ vuốt ve…
- Cần lưu ý: Tuân Tử nhấn mạnh, người chê phải và khen phải  tức là chê và khen phải đúng, phải chính xác thì mới là thầy ta và bạn ta. Như thế cũng có nghĩa là chê và khen không đúng thì không thể coi là thầy và bạn được. Còn những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta thì bất kể ở dâu cũng đều là kẻ thù của ta vậy. Vì vuốt ve, nịnh bợ không bao giờ là hành vi tốt, mà ngược lại đó luôn là hành vi của những kẻ tầm thường, giả dối
4. Phân tích ý nghĩa sâu sắc của câu nói và rút ra bài học về việc ứng xử trong cuộc sống